Top 11 Món ăn ngon lâu đời nhất ở Hà Nội bạn nên thử

Top 11 Món ăn ngon lâu đời nhất ở Hà Nội bạn nên thử

Cốm Làng Vòng

Cốm là đồ ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang và sàng sảy cho hết vỏ trấu, tuy bắt gặp tại nhiều vùng miền trên đất nước Việt Nam nhưng rất thịnh hành trong ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Một dân tộc gắn liền với nền Văn hóa Lúa nước, vì thế những hạt gạo đã trở nên thân thuộc với mỗi con người Việt Nam. Và cũng không biết từ bao giờ, những hạt gạo, hạt cốm đã gắn chặt với dân tộc Việt từ các bữa ăn hàng ngày đến những hoạt động tín ngưỡng, văn hóa như cưới hỏi, lễ mừng,… . Nhắc đến cốm, dù không phải người Hà thành thì ai trong chúng ta cũng nghĩ ngay đến Bánh cốm gia truyền ở Hà Nội hay những hạt cốm Làng Vòng. Màu xanh tươi của cốm cùng với mùi thơm dịu mát đã tạo nên sự cuốn hút của bánh cốm Làng Vòng – một món quà tinh túy của người dân Hà Thành từ bao đời nay. Nếu bạn có dịp ghé thăm Hà Nội một lần nên thưởng thức cốm và bánh cốm Làng Vòng tại địa chỉ:
Làng Vòng, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội với giá bánh 4.000đ – 6.000đ/chiếc, còn giá cốm 260.000đ -280.000đ/kg.

Phở

Phở là một món ăn truyền thống của Việt Nam, cũng có thể xem là một trong những món ăn tiêu biểu cho ẩm thực Việt Nam. Nhưng có lẽ, Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon. Bất cứ ai khi đặt chân tới Hà Nội đều mong muốn được thưởng thức một món ăn đậm chất Hà thành như vậy. Phở đã trở nên rất phổ biến tại Hà Nội vào thời những năm 1940.
Nhắc đến Phở ở Hà Nội không thể không kể đến:
Phở Bát Đàn (49 Bát Đàn với mức giá từ 30.000đ đến 55.000đ/bát).
Phở Thìn (13 Lò Đúc, với mức giá 40.000đ – 60.000đ/bát).
Phở Lý Quốc Sư (có tới 3 địa điểm để mọi người thưởng thức là 10 Lý Quốc Sư, 42 Hàng Vôi và N2A Hoàng Minh Giám với mức giá mỗi bát khoảng từ 50.000đ đến 77.000đ/bát).

Vì là một món ăn phổ biến và đặc trưng ở Hà Nội nên còn rất nhiều hàng Phở khác rất hút khách trên khắp những con phố của Thủ đô như Tôn Đức Thắng, Quán Thánh, Thụy Khuê, Huỳnh Thúc Kháng, Hàng Trống, ĐInh Liệt,…

Bánh Cuốn Thanh Trì

Theo An Nam Chí lược của sử gia Lê Trắc, bánh cuốn đã được ra đời từ những năm 1291 vào thời vua Trần Nhân Tông và đây được coi là món quà mà người dân thường tự tay làm để tặng người thân vào dịp Tết Hàn thực. Tính đến nay, món ăn này đã có tuổi đời 725 năm và nó đã gắn liền với đời sống của người dân ở rất nhiều nơi, trong đó có Hà Nội. Nhắc đến bánh cuốn Hà Nội, có lẽ chúng ta không thể không nhắc đến món bánh cuốn Thanh Trì – một nét ẩm thực duyên dáng của mảnh đất Kinh kì. Bánh được làm từ gạo gié cánh, tám thơm, tráng mỏng như tờ giấy. Bánh cuốn Thanh Trì không có nhân, thường được xếp thành từng lớp trong lòng một chiếc thúng, trên phủ tờ lá sen hay lá chuối, lá dong. Có 3 địa chỉ nổi tiếng để các bạn có thể thưởng thức món bánh này ở Hà Nội: 
Bánh cuốn Bà Hoành – 66 Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (30.000đ/suất)
Bánh Cuốn 17 – 17 Chả Cá, Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (15.000đ – 33.000đ/suất)
Bánh cuốn chay – 9 Nguyễn Chế Nghĩa, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (15.000đ/suất).

Bún Đậu Mắm Tôm

Bún đậu mắm tôm hay bún đậu phụ mắm tôm là món ăn đơn giản, dân dã trong ẩm thực miền Bắc Việt Nam. Đây là món thường được dùng như bữa ăn nhẹ, ăn chơi. Thành phần chính gồm có bún tươi, đậu phụ rán vàng, mắm tôm pha chanh, ớt và ăn kèm với các loại rau thơm như tía tô, kinh giới, rau húng, xà lách,… .Có thể nói bún đậu mắm tôm là một trong những món ăn đặc trưng nhất của người dân Hà Thành. Đó là sự kết hợp của đĩa bún tươi mềm, đậu phụ rán giòn cùng với bát mắm tôm thơm, béo ngậy và rau thơm. Bún đậu mắm tôm Hà Nội nổi tiếng với những quán ăn ven đường, có lẽ đây là nét riêng biệt của những gánh hàng bán bún đậu mắm tôm. Có lẽ không phải bàn luận nhiều về món ăn này nữa vì nó rất tuyệt rồi. Khi đến Thủ đô nhớ ghé thăm 5 địa điểm sau để thưởng thức món ăn dân gian này nhé: 
Bún đậu mắm tôm Hàng Khay (Ngõ 31 Hàng Khay) với 45.000đ/suất) 
Bún đậu mắm tôm Cây Bàng, Đại La (30.000đ/suất). 
Bún đậu Trung Hương, ngõ Phất Lộc (20.000đ – 50.000đ/suất). 
Bún đậu gốc đa Ngõ Gạch (50.000đ/suất). 
Bún đậu lòng nướng khu Hoàng Cầu (20.000đ – 60.000đ/suất).

Bún Thang

Bún thang là một ẩm thực đặc sản của người Hà Nội. Làm bún thang là một quá trình cầu kỳ, từ phần chuẩn bị đến nấu. Ước tính phải cần đến 20 nguyên liệu mới đủ để làm bún thang. Rau răm, mùi tàu, trứng gà rán mỏng, lườn gà xé, giò lụa thái sợi rải đều trên nền bún trắng. Bún phải là loại bún sợi nhỏ. Trên rắc tôm bông và rải vài lát lạp xưởng. Nước dùng trong, ngon, ngọt (là một sự tổng hợp có chọn lọc từ xương gà và một con mực khô). Mọi người có thể ăn bún thang kèm với các gia vị như giấm, ớt, tỏi, hạt tiêu hoặc thêm chút mắm tôm để cho bát bún thêm đậm đà. Nhắc đến bún thang, những người sành ăn sẽ nhắc ngay đến:
Quán Bún Thang 32 và 48 Cầu Gỗ với mức giá dao động từ 30.000đ đến 66.000đ/bát.

Bạn cũng có thể đến Hàng Giấy, Hàng Hòm, Đào Tấn, Liễu Giai để thưởng thức món ăn này với mức giá mềm hơn chỉ khoảng 30.000đ.

Kem Tràng Tiền

Kem Tràng Tiền là một hãng kem nổi tiếng đã có từ năm 1958 ở Hà Nội. Sở dĩ kem có tên là “Tràng Tiền” là bởi kem được bán và sản xuất ở phố Tràng Tiền, lần đầu tiên là tại số nhà 35 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Kem Tràng Tiền đã trở thành một thương hiệu kem rất quen thuộc với người Hà Nội. Kem có 2 loại: kem dạng que và dạng kem ốc quế với nhiều hương vị khác nhau như: sô-cô-la, vani, cốm, sữa dừa,… Kem có vị thơm, ngon, mát. 

Khi đến với Thủ đô Hà Nội, bạn hãy nhớ phải ghé thăm Phố đi Bộ Hồ Hoàn Kiếm, Phố cổ Hà Nội và thưởng thức món kem Tràng Tiền trứ danh với mức giá từ 5.000đ – 13.000đ nhé!

Bánh Tôm Hồ Tây

Bánh tôm Hồ Tây là một trong những món ăn nổi tiếng của Hà Nội. Chúng được làm từ nguyên liệu là những con tôm càng sông hay tôm càng Hồ Tây đặc trưng. Vào những năm 1970-1980 có rất nhiều hàng bán bánh tôm của quốc doanh nằm trên đường Thanh Niên, phía bên hồ Trúc Bạch. Lúc đó nơi đây là một địa điểm vui chơi giải trí tiêu biểu của Thủ đô, và như một cái duyên bánh tôm Hồ Tây đã đi vào ký ức nhiều thế hệ. Sang cuối những năm 1980, đời sống của người dân được nâng lên đã dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình dịch vụ khác. Vì thế mà các hàng bánh tôm Hồ Tây đã không còn chiếm được vị trí độc tôn trong lựa chọn của thực khách. Nhưng khi một du khách phương xa đến Hà Nội họ vẫn muốn đến Hồ Tây để thưởng thức bánh tôm nóng hổi và cảm nhận vị giòn của bánh, ăn kèm với nước chấm có vị chua, ngọt, cay cùng với dưa ghém. Những địa điểm quen thuộc để thưởng thức món ăn này là:
Nhà hàng bánh Tôm Hồ Tây, Đường Thanh Niên, Quận Tây Hồ, Hà Nội
với mức giá trung bình 80.000đ-132.000đ/suất.

Bún Chả

Món ăn xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam, là thứ quà có sức sống lâu bền nhất của Hà Nội, và cũng không biết từ khi nào Bún chả được coi là một trong những đặc sản đặc trưng của ẩm thực Hà thành. Chắc chắn cũng không ai biết món ăn tuyệt vời này ra đời từ khi nào nhưng ai ai cũng biết Bún chả là món ăn với bún, chả thịt lợn nướng trên than hoa và bát nước mắm chua cay mặn ngọt. Món ăn này làm lay động lòng người từ hương thơm của thịt nướng, màu trắng tinh khôi của bún, mùi thơm nồng của bát nước chấm chua ngọt, vị the mát của những ngọn rau bạc hà ăn kèm,… Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một món ăn quyến rũ và là một trong 10 món đường phố tuyệt nhất thế giới. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không thể từ chối sự hấp dẫn của Bún chả trong chuyến thăm Hà Nội hồi tháng 5 vừa qua:
Quán Bún chả Hương Liên (24 Lê Văn Hưu, giá trung bình vào khoảng 40.000đ – 60.000đ/suất).

Bạn cũng có thể thưởng thức món ăn này tại nhiều con phố khác như Hàng Mành, Hàng Than, Hàng Khoái, Láng Hạ (CS 2 Bún chả Liên Hương – 14/59 Láng Hạ),..

Cà phê Trứng

Cà phê dù không có nguồn gốc từ Việt Nam nhưng Cà phê lại là một thức uống quen thuộc và có thể nói là không thể thiếu trong ngày của nhiều người Việt. Chính vì vậy, Cà phê ở Việt Nam được pha chế ra rất nhiều loại để làm hài lòng thực khách như Cà phê đen, Cà phê sữa đá, Cà phê đá nhiều sữa (Bạc xỉu), Cà phê trứng,… . Cà phê trứng??? Nghe có vẻ lạ! Liệu sự kết hợp này có tuyệt vời không? Câu trả lời là trên cả tuyệt vời các bạn ạ! Việt Nam chính là nơi sáng tạo ra loại nước uống tuyệt phẩm này đó! Tác giả của siêu phẩm này chính là Cụ Nguyễn Văn Giảng. Cụ Giảng từng là nhân viên pha chế ở khách sạn Metrophole thời Pháp thuộc, và món Cà phê trứng nổi tiếng ở Giảng đã được cụ biến thể từ thức uống capuchino khi còn làm ở Metrophole thời kì đó. Cà phê trứng ở Giảng có vị đậm đà của cà phê và vị thơm ngậy của lòng đỏ trứng gà, thêm vị kem ngọt ngào. Tất cả đã tạo nên một hương vị dìu dịu, thơm thơm, ngọt ngọt, đủ ấm cho những ngày đông thật lạnh. Các bạn có thể ghé thăm Cafe Giảng ở địa chỉ là:
109 Yên Phụ và 39 Nguyễn Hữu Huân để thưởng thức Cà phê trứng chỉ với 17.000đ thôi nhé!
Cafe Đinh ở 13 Đinh Tiên Hoàng (15.000đ).
Cafe Phố cổ ở 11 Hàng Gai (35.000đ).

Bánh mì

Bánh mì xuất phát từ bánh mì Baguette do người Pháp đem vào Việt Nam. Trong quá trình cải biên, người Việt Nam đã chế biến Baguette lại thành bánh mì đặc trưng của người Việt với chiều dài ngắn hơn, chỉ khoảng 30–40 cm. Ổ bánh mì biến chế và thêm nhân thịt như pa-tê, chả cá, thịt xiên nướng,…; hay ăn với các loại sốt như bò sốt vang, trở nên quen thuộc đến mức trở thành món ăn bình dân của người Việt. Tùy thuộc vào thành phần nhân được kẹp bên trong hay những thứ nước sốt ăn kèm mà bánh mì có nhiều tên gọi khác nhau. Đây là một loại thực phẩm lâu đời thông dụng, được phổ biến ở cả nước trong những năm gần đây. Đến với Hà Nội, các bạn có thể tha hồ thưởng thức những biến thể của bánh mì. Các bạn có thể nhâm nhi ly sữa đậu nành với bánh mì sốt vang tại:
Đình Ngang (40.000đ/suất).
Bánh mì Nguyên Sinh (17 Lý Quốc Sư – 80.000đ/suất). 
Bánh mì Bít-tết 22 Hòa Mã (100.000đ/suất).
Bánh mì kebap viện Goethe (30.000đ/suất). 
Bánh mì thịt xiên nướng 31 Quang Trung (15.000đ – 20.000đ/suất)
Bánh mì Pa-tê số 8 Chả Cá (20.000đ/suất). 
Bánh mì Chả 20 Lê Đại Hành (20.000đ/suất).
Bánh mì chảo 35 Thái Thịnh (25.000đ – 30.000đ/suất).

Chả Cá Lã Vọng

Chả cá Lã Vọng là tên của món chả cá đặc sản Hà Nội. Đây là món chả làm từ cá (thông thường là cá da trơn) thái miếng đem tẩm ướp, nướng trên than rồi rán lại trong chảo mỡ, do gia đình họ Đoàn tại số nhà 14 phố Chả Cá (trước đây là phố Hàng Sơn) trong khu phố cổ giữ bí quyết kinh doanh và đặt tên cho nó như trên. Vào những năm thời kỳ Pháp thuộc, ở số 14 Hàng Sơn có một gia đình họ Đoàn sinh sống, họ thường lấy nhà mình làm nơi cưu mang nghĩa quân Đề Thám. Chủ nhà hay làm một món chả cá rất ngon đãi khách, lâu dần thành quen, những vị khách ấy đã giúp gia đình mở một quán chuyên bán món ăn này, vừa để nuôi sống gia đình, vừa làm nơi tụ họp. Lâu dần, hai tiếng ‘Chả Cá’ được gọi thành tên phố, và ngày nay Chả cá Lã Vọng đã thực sự trở thành một biểu tượng của ẩm thực Hà Nội. Địa điểm để thưởng thức món ăn này là:
Quán chả cá Lã Vọng, số 14 Chả Cá với mức giá từ 30.000đ đến 66.000đ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *